Thời Hùng Vương là một thời kỳ có thật trong lịch sử dân tộc. Nó không những được phản ánh trong truyền thuyết, trong thư tịch cổ mà còn được chứng thực qua hàng loạt di tích khảo cổ học. Đó là thời kỳ ra đời và phát triển của một nền văn minh cổ xưa của người Việt, thời kỳ hình thành nhà nước phôi thai đầu tiên trong lịch sử Việt Nam.
Nhà nước Văn Lang của các Vua Hùng, đóng đô ở Phong Châu ( nay là xã Hy Cương , huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ ), là nhà nước phôi thai đầu tiên của Việt Nam, còn rất đơn giản nhưng đã cố kết được lòng người.
Đứng đầu nước Văn Lang là Hùng Vương. Ngôi Hùng Vương cha truyền con nối. Hùng vương vừa là người chỉ huy quân sự vừa là người chủ trì các nghi lễ tôn giáo. Dưới Hùng Vương và giúp việc cho Hùng Vương có các Lạc Hầu, Lạc Tướng. Lạc Tướng ( trước đó là các Tù trưởng) trực tiếp cai quản công việc của 15 bộ.
Như vậy, lãnh thổ sinh trưởng đầu tiên của tổ tiên là miền Bắc Việt Nam. Những nhóm dân quan trọng nhất là người Việt cổ. Ban đầu họ sống thành từng công xã, rằng buộc với nhau bởi mối quan hệ huyết thống. Họ đoàn kết tương thân, tương ái trong công việc làm ăn và giữ nước. Con người Việt Nam thời kỳ Hùng Vương vừa mới cố sức vươn lên khỏi cuộc sống tự nhiên đầy khó khăn gian khổ, rừng rậm, đầm lầy, thú dữ, bão giông, lụt lội…đã phải đương đầu với những kẻ thù xâm lược. Thánh gióng là thiên thần thoại lịch sử rất đẹp, ca ngợi tinh thần chiến đấu bất khuất chống ngoại xâm của dân tộc ta.
Kế tục nhà nước Văn Lang là Quốc gia Âu Lạc, ra đời vào đầu thế kỷ thứ ba trước công nguyên, do Thục An Dương Vương đứng đầu.
Năm 179 trước công nguyên, Âu lạc rơi vào ách đô hộ của nhà Triệu, thời đại Hùng Vương kết thúc.
Thời kỳ Hùng Vương là một giai đoạn rất quan trọng trong lịch sử dân tộc ta. Chính trong thời kỳ này đã xây dựng nên một nền tảng của dân tộc Việt Nam, nền tảng văn hóa Việt Nam và truyền thống yêu nước Việt Nam. Từ khối đoàn kết của toàn thể thành viên của một làng, nhân dân nước Văn Lang, nước Âu lạc đã tiến đến khối đoàn kết nhân dân cả nước để đấu tranh chống thiên tai, địch họa, bảo vệ giống nòi, non sông, đất nước. Tinh thần thượng võ và chiến thuật chiến tranh nhân dân chống ngoại xâm còn lưu truyền mãi đến muôn đời sau.
Hàng năm vào dịp mùng mười tháng ba âm lịch, hàng chục vạn lượt đồng bào từ khắp mọi miền trong cả nước về Đền Hùng trảy hội, thắp hương thơm thành kính lễ tổ tiên, tưởng nhớ công đức to lớn của các Vua Hùng đã có công dựng nước.
Ngày 19/9/1954, sau khi ghé thăm Đền Hùng, Bác Hồ đã căn dặn chúng ta là phải ghi nhớ công lao của các Vua Hùng: “ Vua Hùng là người có công dựng nước ta. Như vậy Vua Hùng chính là Ông Tổ của nước Việt Nam. Uống nước phải nhớ nguồn. Con cháu thì phải nhớ đến tổ tiên. Ngày xưa, các Vua Hùng đã có công dựng nước. Ngày nay, bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước! Đó mới chính là uống nước nhớ nguồn, mới là nhớ Tổ Tiên vậy”.
Do tính chất quan trọng của Khu Di Tích, năm 1963 Bộ Văn hóa đã xếp hạng Di tích quốc gia, năm 1967 Chính phủ quyết định xếp hạng khu rừng Đền Hùng là Rừng cấm quốc gia.
Từ năm 1969, Ngày Hội Đền Hùng đã thu hút hàng chục vạn người đến dự. Hội đền hùng trở thành một lễ hội đặc biệt của dân tộc Việt Nam. Người Việt về dự Giỗ Tổ tỏ lòng kính hiếu tôn trọng tổ tiên nhưng cũng để nhân thêm tình yêu thương đối với con người, xứ sở, niềm tin vào cộng đồng của dân tộc Việt Nam.
Nhằm góp phần giáo dục truyền thống, đạo lý tốt đẹp của dân tộc, phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân, tôn vinh công đức các Vua Hùng, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của dân tộc, Quốc hội khóa XI tại kỳ họp thứ 11 xem xét việc tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động và nhân dân tham gia Giỗ Tổ Hùng Vương, đã thực hiện cho người lao động nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong ngày Giỗ Tổ hàng năm, bắt đầu từ năm 2007. điều này thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng và nhà nước ta, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, thực hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn cao đẹp của dân tộc Việt Nam.
Thực hiện lời căn dặn của Bác Hồ, đặc biệt hiện nay đang trong cuộc vận động “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, chúng ta luôn nhớ về cội nguồn dân tộc với lòng trân trọng và biết ơn sâu sắc, lòng tự hào và niềm kiêu hãnh về tổ tiên, nòi gống của mình từ đó ra sức đóng góp công sức, trí tuệ cùng nhau đoàn kết xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng phồn vinh, giàu mạnh, xứng đáng với truyền thống Lạc Hồng của Tổ tiên để lại.
Tài liệu:
1.Lịch sử Việt Nam- từ nguồn gốc đến năm 1884, NXB tp Hồ Chí Minh.
2.Tài liệu tuyên truyền kỷ niệm ngày Giỗ Tổ Hùng Vương của Ban Tư tưởng Văn hóa Thành ủy Tp Hồ Chí Minh.